Lượt xem: 436

Khuyến công Sóc Trăng đồng hành cùng cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển sản xuất bền vững

Trong những năm qua, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến rõ nét, các cơ sở công nghiệp nông thôn chuyển đổi dần từ sản xuất thủ công, bán tự động sang ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất, nhờ đó năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ nét, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Có được thành quả đó là có sự đồng hành, tiếp sức từ các chương trình khuyến công do tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện, góp phần giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển sản xuất bền vững.

 


Nhờ được hỗ trợ máy móc, Doanh nghiệp tư nhân chế biến thực phẩm bánh pía, lạp xưởng Từ Gia Kiệt đã mở rộng quy mô sản xuất. Ảnh: Hoàng Lan

 

    Mở rộng quy mô sản xuất

    Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2012 với diện tích nhà xưởng 150m2, Doanh nghiệp tư nhân chế biến thực phẩm bánh pía, lạp xưởng Từ Gia Kiệt (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) là một trong những cơ sở sản xuất và kinh doanh các sản phẩm truyền thống như bánh pía, lạp xưởng, kẹo gạo lứt, với công suất sản xuất các sản phẩm bình quân như: Bánh pía 100 tấn/năm, kẹo 15 tấn/năm, lạp xưởng 20 tấn/năm. Qua thời gian, do nhu cầu thị trường ngày càng tăng, thị hiếu người tiêu dùng cũng khắt khe hơn về chất lượng, mẫu mã nên doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất với tổng diện tích nhà xưởng 450m2 với sự đồng hành của chương trình khuyến công địa phương, dù nguồn kinh phí không quá lớn nhưng giúp doanh nghiệp tự tin đầu tư các máy móc thiết bị tiên tiến phục vụ trong sản xuất bánh pía gồm: 1 máy gói bánh với công suất dự kiến 60-120 cái/phút, 1 lò nướng bánh pía băng chuyền dùng gas với công suất dự kiến 5.000-7.000 cái/giờ với tổng kinh phí 638 triệu đồng, trong đó nguồn khuyến công địa phương hỗ trợ 240 triệu đồng.

    Ông Từ Nghiêm An - Chủ doanh nghiệp tư nhân chế biến thực phẩm bánh pía, lạp xưởng Từ Gia Kiệt phấn khởi cho biết, hệ thống máy móc được đầu tư rất hiện đại, giúp quy trình đóng gói hoàn thiện, hoạt động ổn định, chính xác với tỷ lệ hàng lỗi được giảm thiểu đến mức tối đa; giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí nhân công, đảm bảo an toàn vệ sinh, có tính thẩm mỹ cho sản phẩm. Đối với lò nướng bánh băng chuyền dùng gas không bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn điện, thời gian, nhiệt độ và tốc độ băng chuyền luôn nhất quán nên chất lượng các mẻ nướng là tương đồng nhau về màu sắc, độ ẩm cũng như mùi vị… đáp ứng nhu cầu khách hàng, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường, nhất là sau COVID-19. Đặc biệt, giúp doanh nghiệp nâng công suất sản xuất từ 100 tấn/năm lên 120 tấn/năm, tăng 20 tấn/năm so với trước đó, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến phát triển sản xuất bền vững; đồng thời, giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hơn 40 lao động người dân tộc Khmer địa phương từ 4-5 triệu đồng/tháng. Anh Từ Nghiêm An chia sẻ thêm, hướng tới anh sẽ đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm bánh pía, lạp xưởng, bánh, kẹo… từ bao bì, mẫu mã, hướng đến xây dựng thương hiệu Từ Gia Kiệt đạt chuẩn OCOP để tiếp cận các thị trường lớn và người tiêu dùng khó tính, góp phần đưa sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của Sóc Trăng ngày càng vươn xa.

    Đa dạng hóa sản phẩm

    Là một trong những đơn vị sản xuất thực phẩm lâu năm tại Sóc Trăng, cơ sở bún khô Lệ Châu (thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) đã dần khẳng định được thương hiệu trong và ngoài tỉnh. Bà Trương Thị Lệ - đại diện cơ sở cho biết, hiện mỗi ngày cơ sở sản xuất bình quân khoảng 1 tấn bún, hủ tiếu khô, bánh tráng, nui các loại và được phân phối khắp các chợ truyền thống trong tỉnh (bún tươi) và các tỉnh miền Tây, miền Trung, miền Bắc và nước bạn Lào, Campuchia, nếu so với trước đây, thì tăng năng suất từ 1.200 tấn sản phẩm/năm lên 1.500 tấn/năm, tăng 300 tấn/năm. Có được kết quả đó là nhờ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp tỉnh (Sở Công thương) đầu tư 1 nồi hơi có công suất sinh hơi 3.000 kg hơi/giờ với kinh phí 660 triệu đồng, trong đó nguồn khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng, giúp giảm tải cho nồi hơi hiện có (do cơ sở đầu tư trước đó), đảm bảo an toàn trong vận hành các máy móc thiết bị phục vụ phát triển sản xuất và kéo dài thời gian sử dụng máy móc thiết bị, hướng đến phát triển sản xuất bền vững.

    Theo bà Lệ, nếu không được hỗ trợ thêm nồi hơi thì trong quá trình sản xuất, cơ sở phải thường xuyên tạm ngưng để giảm tải cho nồi hơi, dẫn đến sản xuất chậm, không đáp ứng được yêu cầu. Bây giờ nhu cầu thị trường đến đâu cơ sở sẽ đáp ứng được đến đó, đặc biệt, máy móc được trang bị đủ và hiện đại đã giúp cơ sở đa dạng hóa được sản phẩm, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Hiện ngoài bún tươi được sản xuất hằng ngày, thì cơ sở còn có bún gạo khô (trong đó bún gạo trắng, bún rau củ, bún gạo lứt, bún chùm ngây), nui (nui vàng, nui trắng, nui rau củ), bún tươi sấy khô… có giá dao động từ 9.000 đồng - 23.000 đồng, tùy theo khối lượng, chủng loại, được người tiêu dùng đánh giá khá cao về chất lượng, mẫu mã, bao bì bắt mắt, đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm và có nhiều sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; cơ sở đang tiếp tục đăng ký dự thi thêm 6 sản phẩm, hướng đến xây dựng các sản phẩm đều đạt chuẩn OCOP. Đặc biệt, có 3 sản phẩm gồm bún gạo, bánh tráng, nui của cơ sở bún gạo Lệ Châu vừa được vinh danh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các tỉnh phía Nam. Đây là động lực để cơ sở tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất.


Bún khô Lệ Châu rất đa dạng sản phẩm, chủng loại đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Ảnh: Hoàng Lan

 

    Bà Lệ cho biết thêm, hiện tại cơ sở đang mở chuỗi hệ thống kiốt tại các chợ truyền thống trong tỉnh và hướng tới sẽ phát triển thêm tại các tỉnh bạn; vì vậy, rất cần sự đồng hành từ các chương trình khuyến công, giúp cơ sở phát triển sản xuất bền vững trong tương lai.

    Doanh nghiệp tư nhân chế biến thực phẩm bánh pía, lạp xưởng Từ Gia Kiệt và Cơ sở bún khô Lệ Châu là một trong những doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển sản xuất bền vững, kinh doanh hiệu quả với sự đồng hành từ các chương trình khuyến công của tỉnh.

    Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ sở công nghiệp nông thôn; trong đó, tập trung hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm công nghiệp đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh, sản phẩm công nghiệp có giá trị tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, thị trường tiêu thụ ổn định… nhằm giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong tỉnh phát triển sản xuất bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.

Hoàng Lan



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 88
  • Hôm nay: 10176
  • Trong tuần: 77,496
  • Tất cả: 11,861,685